clock
Đang Tải...

TÌM GIẢI PHÁP CUNG ỨNG VẬT LIỆU CÁT XÂY DỰNG CAO TỐC TẠI ĐBSCL

16-03-2023
Lượt xem: 558

Khi các dự án cao tốc ở vùng ĐBSCL triển khai đồng loạt, khó khăn lớn nhất xảy ra là nguy cơ thiếu vật liệu, nhất là cát đắp nền đường. Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với các Bộ, Ngành và tỉnh, thành phố ĐBSCL về nguồn vật liệu phục vụ các dự án hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm vào ngày 15/03, nhiều giải pháp đưa ra để gỡ khó tình trạng này.

Từ nay đến 2025, vật liệu cát cho các dự án cao tốc tại ĐBSCL, khoảng hơn 47,8 triệu m3. Trong đó, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng 23,8 triệu m3; cao tốc Cao Lãnh – An Hữu hơn 2,4 triệu m3; cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh hơn 3 triệu m3 đến nay cơ bản đảm bảo nhu cầu nguồn cát để triển khai. Riêng 2 dự án thành phần đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông có tổng nhu cầu 18,5 triệu m3 hiện đang gặp khó về nguồn cung. Thêm 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp dự kiến cung cấp khoảng 3,0 triệu m3 cát cho dự án này.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, từ nay đến năm 2025 khu vực ĐBSCL triển khai 4 tuyến cao tốc, nhu cầu vật liệu cát là khoảng 47,8 triệu m3

Ông Nguyễn Duy Lâm – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị các tỉnh, thành phố có mỏ cát, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng phục vụ cho đường cao tốc thì nâng 50% công suất mỏ theo nghị quyết của chính phủ. Ưu tiên cấp phép thủ tục nâng công suất trong thời gian sớm nhất và dành cát 50% công suất đó cho các dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Trần Quý Kiên, ngoài tỉnh An Giang và Đồng Tháp, 9 tỉnh còn lại được cấp 30 giấy phép thăm dò các mỏ với tổng trữ lượng khoảng 39 triệu m3. Hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu các dự án cao tốc của vùng. 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Trần Quý Kiên cho biết:nếu có điều tiết tốt, với công suất khai thác cát san lấp và xây dựng hiện nay là 20 triệu m3 khối một năm. Cứ tính mất 30% cát có lẫn bùn, không đảm bảo thì hoàn toàn có thể đảm bảo được 15 đến 20 triệu m3 một năm, đảm bảo đủ yêu cầu cát cho cao tốc. Ngoài ra chúng ta còn 34 triệu m3 đất, cát san lấp ở Kiên Giang và Long An”

Ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thông tin, tỉnh hiện cấp 6 giấy phép khai thác mỏ đá với trữ lượng hơn 21 triệu m3. Trường hợp các dự án cần, tỉnh sẽ làm việc với các chủ mỏ để giải quyết nhu cầu. Về mỏ cát vật liệu, tỉnh cấp 15 giấy phép với tổng trữ lượng 19 triệu m3. Thời gian qua, An Giang ưu tiên cung cấp cát vật liệu các dự án trên địa bàn tỉnh và dành hơn 9 triệu m3 phục vụ dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Tỉnh cam kết hỗ trợ cho Cần Thơ và Hậu Giang 6 triệu m3.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long cho biết, nguồn cát phục vụ cho các công trình giao thông tại địa phương đang khan hiếm. Nhưng vì sự phát triển chung, các tỉnh bày tỏ tinh thần sẵn sàng chia sẻ nguồn cát hiện có. Tuy nhiên, để thực hiện còn một số khó khăn về quy hoạch và thủ tục…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo tại cuộc họp 

Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định, ĐBSCL thừa sức cung cấp nguồn vật liệu cho 4 dự án cao tốc của vùng nếu các tỉnh cùng chia sẻ. Bởi đường cao tốc là để phục vụ chung cho cả khu vực nên các tỉnh phải chung trách nhiệm san sẻ khó khăn này. Phó Thủ tướng Chính phủ nêu 4 giải pháp để thực hiện là: Cấp phép mới và cấp phép lại các mỏ vật liệu trên cơ sở xem xét đánh giá chỉ phục vụ cho công trình cao tốc Bắc – Nam phía Đông và cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa. Xem xét đánh giá việc sử dụng đất thay thế cát ở Long An và Kiên Giang khoảng 34 triệu m3. Các tỉnh nâng công suất 50% khai thác ở các mỏ cát; còn mỏ đá, đất tăng lên 200% công suất và có giải pháp kiểm soát giá vật liệu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải lên một biểu đồ cho 4 tuyến, chính xác đến tháng, trong đó nói rõ nhu cầu cát, đất, đá. Chúng ta phải xác định được từ nay đến năm 2024 tháng nào làm việc gì, ở đâu như vậy mới sắp xếp bố trí được. Bộ Giao thông vận tải sẽ đánh giá toàn bộ mỏ hiện nay. Yêu cầu chung là phải đảm bảo bảo vệ môi trường và cảnh quan. Đối với cát thì đảm bảo không sạt lở.

Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các tỉnh, thành phố ĐBSCL, trong đó có tỉnh Hậu Giang chủ động phối hợp, tìm giải pháp bảo đảm nguồn cát đắp nền cho các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia với ưu tiên cao nhất.

Ông Nghiêm Xuân Thành – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang ghi nhận sự chia sẻ đầy trách nhiệm của các tỉnh, thành phố có mỏ cát cho Hậu Giang và các tỉnh thiếu nguyên vật liệu.

Ông Nghiêm Xuân Thành – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang bày tỏ vui mừng khi Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương dành sự quan tâm, kịp thời giúp các tỉnh, thành trong vùng tháo gỡ vấn đề cấp bách về thiếu nguyên vật liệu xây dựng các tuyến cao tốc.

Nguồn nguyên vật liệu cung cấp xây dựng các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL là không thiếu. Giải quyết khó khăn này dựa trên liên kết vùng là giải pháp cao nhất để cán đích mục tiêu đến năm 2026, khai thác hơn 550km đường cao tốc, đưa ĐBSCL bứt phá đi lên.

TIN LIÊN QUAN

Ứng phó hạn mặn

17-04-2024 - Lượt xem: 677

Nam Bộ: nắng nóng tiếp tục diễn ra trên diện rộng

Gương sáng học đường

16-04-2024 - Lượt xem: 794

Cậu học sinh nghị lực chiến đấu với căn bệnh ung thư hiếm gặp

15-04-2024 - Lượt xem: 400

Trẻ em sắp được dùng miễn phí Vắc-xin Rota phòng bệnh tiêu chảy

Ứng phó hạn mặn

14-04-2024 - Lượt xem: 278

Nam bộ lập 3 kỷ lục nắng nóng trong 1 ngày

The Gioi Chuyen Dong
Nông nghiệp sinh thái
HOA LÚA
VÌ NGƯỜI TIÊU DÙNG
phim việt thời vang bóng
Nhịp sống ngày mới