clock
Đang Tải...

Cộng đồng

Lây truyền và cách phòng ngừa bệnh bạch hầu

10-07-2024
Lượt xem: 175
HGTV – Những ngày qua thông tin về một ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An và một ca mắc tại Bắc Giang do tiếp xúc với ca tử vong khiến nhiều người lo lắng. Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, có một tỷ lệ nhất định người lành mang trùng, không phát bệnh nhưng vẫn là nguồn lây.
Vi khuẩn bệnh bạch hầu
Các đường lây bệnh
Bác sĩ Bùi Thu Phương, khoa Nhi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh lây qua đường hô hấp, từ cuối thời kỳ ủ bệnh, do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các giọt nhỏ bắn ra không khí. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với da của người mắc bệnh và gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… có dính dịch tiết hô hấp của người bệnh.
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh bạch hầu khoảng 2-5 ngày, không có biểu hiện gì đặc biệt, nhưng có tiền sử tiếp xúc với người bệnh và trong vụ dịch. Khi khởi phát, bệnh thường tiến triển từ từ với triệu chứng sốt nhẹ và các biểu hiện viêm hô hấp cấp như đau họng, chảy nước mũi, và khó chịu.
Trong giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có thể sốt nhẹ hoặc không sốt, ho, đau họng, khó nuốt, đau đầu, và khàn giọng. Triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm vẻ mặt nhiễm trùng, miệng hôi, mệt mỏi, chảy nước mũi mủ máu, viêm loét niêm mạc mũi, và hạch cổ, hạch góc hàm to tạo hình ảnh “cổ trâu”. Họng thường đỏ với màng giả trắng xám, ánh vàng, nhẵn bóng, và dính chặt vào amidan, họng. Màng giả này lan rất nhanh, khó bóc và gây chảy máu.
Bệnh bạch hầu ảnh hưởng đến đường hô hấp và có thể thấy trên da, kết mạc, niêm mạc sinh dục – tiết niệu, hậu môn, và ống tai.
Phòng bệnh chủ động
Bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm thận, viêm phổi, và xuất huyết giảm tiểu cầu. Vì đây là một bệnh cấp cứu, cần nhập viện ngay để điều trị và cách ly càng sớm càng tốt. Việc điều trị cần tuân thủ các nguyên tắc cách ly trong 10-14 ngày và theo dõi sát sao các biến chứng nguy hiểm.
Khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh bạch hầu, cần phát hiện sớm, cách ly kịp thời và điều trị triệt để. Người tiếp xúc cần được theo dõi sát trong 7 ngày và cấy dịch họng. Người lành mang trùng nên dùng kháng sinh uống dự phòng (erythromycin) trong 10 ngày và khám lại hàng ngày.
Tiêm chủng phòng bệnh
Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan nhanh và biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là tỉ lệ tử vong cao. Do đó, trẻ em và người lớn cần tiêm chủng vắc xin đầy đủ để phòng bệnh. Cụ thể, trẻ từ 0-2 tuổi cần tiêm 4 mũi vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Trẻ từ 4-6 tuổi và từ 9-17 tuổi cần tiêm mũi nhắc lại. Người lớn nên tiêm nhắc lại mỗi 10 năm để duy trì hệ miễn dịch tối ưu.
Các biện pháp phòng dịch bạch hầu
Theo bác sĩ Bùi Thu Phương, bệnh bạch hầu là một trong những căn nguyên gây bệnh và tử vong hàng đầu trong thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20. Hiện nay, nhờ chương trình tiêm chủng, bệnh đã giảm rõ rệt và ít gặp hơn, tỉ lệ tử vong do đó cũng giảm nhiều.
Khi có dịch bạch hầu xuất hiện, cần thực hiện tốt các biện pháp phát hiện sớm, cách ly kịp thời và điều trị triệt để. Người tiếp xúc cần được theo dõi sát trong 7 ngày và cấy dịch họng. Người lành mang trùng nên dùng kháng sinh uống dự phòng (erythromycin) trong 10 ngày và khám lại hàng ngày. Đồng thời, cần khử trùng buồng bệnh, nơi ở, và đồ dùng của người bệnh. Thực hiện rửa tay đúng cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

TIN LIÊN QUAN

22-10-2024 - Lượt xem: 33

Hậu Giang: Giám đốc Công ty đăng kiểm bị bắt

Cộng đồng

03-09-2024 - Lượt xem: 897

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương ứng phó bão YAGI giật tới cấp 16

Dự báo thời tiết

03-09-2024 - Lượt xem: 1059

Bão Yagi giật cấp 11 đi vào Biển Đông

Cộng đồng

11-07-2024 - Lượt xem: 232

Cẩn thận lừa đảo: 4 trường hợp cúp máy ngay khi nghe số lạ

The Gioi Chuyen Dong
Nông nghiệp sinh thái
HOA LÚA
VÌ NGƯỜI TIÊU DÙNG
phim việt thời vang bóng
Nhịp sống ngày mới