03-04-2025 - Lượt xem: 18
50 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh Lịch sử
HGTV – Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch mở đầu Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 04/3/1975 Chiến dịch Tây Nguyên nổ súng mở màn tiến công Buôn Ma Thuộc và đến 11 giờ trưa 11/3, quân ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã này. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, còn địch bị động, bị suy sụp và tan rã về chiến lược, dẫn đến co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường. Chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Tập 2 CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN TOÀN THẮNG
Thắng lợi ở Buôn Ma Thuột đã tạo nên cơn rung chấn dữ dội đối với chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ.
Ngày 11/3/1975, Bộ Chính trị nhận định: “Thắng lợi ở Buôn Ma Thuột – Đức Lập, trên đường 19 và các hướng khác chứng tỏ ta có khả năng giành thắng lợi to lớn và nhịp độ nhanh hơn dự kiến”. Tổng Bí thư Lê Duẩn phát biểu: “Trước đây ta dự kiến 2 năm giải phóng miền Nam, nay có Phước Long, Buôn Ma Thuột, ta có thể đẩy mạnh hơn”.
Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 địch tại Buôn Ma Thuột, ngày 11/3/1975. Ảnh tư liệu: TTXVN.
Theo Chỉ thị của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, ngoài một bộ phận để lại làm nhiệm vụ giữ vững những nơi đã chiếm được, các cánh quân khác tiếp tục mở rộng đánh chiếm các khu vực còn lại. Quân ta nhanh chóng phát triển về hướng Cheo Reo – cửa ngỏ vào thị xã Ayun Pa, hình thành thế bao vây Pleiku, cô lập Kon Tum, mở rộng phạm vi kiểm soát đường số 19, chia cắt chiến lược để chặn địch ở An Khê.
Về phía địch, sau khi mất Buôn Ma Thuột, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho các tướng lĩnh phải cố thủ các cứ điểm còn lại, đồng thời tập trung các đơn vị của Sư đoàn 23 cơ động lên Buôn Ma Thuột, kết hợp với lực lượng còn lại của Trung đoàn 53, Lữ đoàn 21 biệt động quân, tổ chức phản kích. Sư đoàn không quân số 6 ở sân bay Thành Sơn (Phan Rang) cũng được lệnh huy động tối đa máy bay chi viện hỏa lực cho các lực lượng phản kích chiếm lại thị xã.
Chiều ngày 12/3, sau trận oanh kích dọn bãi của 81 máy bay cường kích, địch bắt đầu đổ hai tiểu đoàn của trung đoàn 45 và một đại đội thám báo của sư đoàn 23 xuống Phước An, huyện lỵ của huyện Krông Pắc, phía đông Buôn Ma Thuột. Chiều cùng ngày, Thiếu tướng Phạm Văn Phú – Tư lệnh Quân đoàn II cởi phi cơ hạng nhẹ U-17 trên vùng trời Buôn Ma Thuột quan sát và chỉ huy cuộc phản kích.
Phương tiện chiến tranh của địch ở Chi khu quân sự kiên cố Đức Lập rơi vào tay quân giải phóng.
Về phía ta, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã điện chỉ đạo Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đôn đốc các đơn vị nhanh chóng củng cố lực lượng và thế trận, sẵn sàng tiêu diệt đối phương phản kích, kiên quyết giữ vững Buôn Ma Thuột; đồng thời cho biết các chiến trường khác đang tích cực tiến công phối hợp.
Từ chiều ngày 13/3, các đơn vị bộ đội, tăng và pháo binh đã hành quân suốt đêm áp sát quận lỵ Phước An. Đến ngày hôm sau, trong khi các đơn vị phản kích của địch còn chưa triển khai đội hình, các đơn vị ta đã nổ súng tấn công trung đoàn 45 tại điểm cao 581.
Trưa cùng ngày điểm này cơ bản được giải quyết. Thất bại ở điểm này, quân của địch vừa đánh vừa lùi về Nông Trại và đưa Trung đoàn 44 chi viện cho Phước An và gác lại việc phản kích Buôn Ma Thuột. Ngay sau đó, Tiểu đoàn 21 của ta giải phóng Bản Đôn.
11 giờ trưa ngày 14 tháng 3, tại Cam Ranh diễn ra cuộc họp giữa Nguyễn Văn Thiệu với các tướng lĩnh. Tướng Phạm Văn Phú báo cáo tổng quát diễn biến chiến sự Tây Nguyên và thỉnh cầu tăng thêm máy bay cho sư đoàn 6 không quân, bổ sung quân số bị tổn thất, tăng viện từ 1 đến 2 lữ đoàn dù để giữ Kon Tum và Pleiku, sau đó phản kích chiếm lại các vùng đã mất. Thiệu không chấp nhận và lệnh tướng Phú bỏ Kon Tum và Pleiku, rút quân về đồng bằng.
13 giờ chiều ngày 15/3, cuộc di tản của Quân đoàn II chính thức bắt đầu trong sự cập rập, vội vã và bí mật tuyệt đối.
Kế hoạch rút quân của Quân đoàn II của địch không quá bất ngờ đối với ta. Bất ngờ là cuộc di tản này quá nhanh. 13g chiều 15/3 địch rút quân, chiều cùng ngày Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên nhận được điện của Đại tướng Văn Tiến Dũng thông báo tình hình. 20 giờ tối 16/3, lệnh truy kích được ban bố. Khoét sâu sai lầm của địch, ta tung Sư đoàn 320 vào truy kích. Bộ đội ta hành quân cắt rừng suốt đêm để lập một chốt chặn ở phía Nam thị xã Cheo Reo.
Hàng trăm xe quân sự của Quân đoàn 2 địch trên đường rút chạy khỏi Tây Nguyên bị quân ta chặn đánh và phá hủy trên đường số 7 từ Cheo Reo đi Phú Bổn.
Sáng 17 tháng 3, ta và địch chạm súng tại đèo Tuna, cách Cheo Reo 4 km về phía đông Phú Bổn, tức thị xã Ayun Pa hiện nay. Đến sáng ngày 18/3, quân ta đã bao vây Cheo Reo cả ba mặt và khoá chặt nhiều đợt tiến công mở đường máu của địch.
Trưa ngày 18, chuẩn tướng Phạm Văn Tất điều quân mở cuộc công kích cuối cùng để mở đường nhưng bị quân ta bẻ gãy. Từ ngày 18/3 đến ngày 24/3, quân ta tiến vào giải phóng thị xã Kon Tum, Pleiyku, Gia Nghĩa. Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi trong sự vui mừng của quân và dân Tây Nguyên và cả nước.
Chiến dịch Tây Nguyên làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch trên toàn miền Nam. Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn, bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Chiến thắng Tây Nguyên là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
Đánh giá về ý nghĩa của chiến dịch Tây Nguyên Tư lệnh Hoàng Minh Thảo nhấn mạnh: “Chiến thắng Tây Nguyên đã tạo cho quân dân ta những điều kiện thuận lợi để chuyển sang cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ngày càng phát triển mạnh mẽ trên khắp các chiến trường và giành thắng lợi ngày càng lớn”.
Còn tiếp….
Xem tập 1: 50 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tại đây
Xem tập 3: Chiến dịch Trị Thiên – Huế tại đây